VĂN HỌC NHÀ TRƯỜNG

VĂN HỌC NHÀ TRƯỜNG
Chùm truyện ngẮN CỦA NGUYỄN PHAN HÁCH

       
hOA ANH ĐÀO LẠI NỞ

Bà lão Dan sống một mình trong rừng với túp lều bằng cành lá rễ cây đan xen tầng tầng lớp lớp như cái tổ chim. Mái và tường mùa thu xây bằng lá vàng, mùa xuân xây bằng hoa hồng gai và cánh bướm ken dầy. Những con chim rừng về đây, đậu đầy bậc thềm, và bay nhởn nhơ, tiếng hót đan quện.
Bà lão đã quá già, da nhăn nheo như tấm lưới. Thỉnh thoảng bà vẫn xuống thị trấn gần đấy mua bán vài thứ, nhưng chủ yếu là sống ở đây. Hoa quả rừng chả thiếu gì. Củ rừng dưới đất, chỉ việc đào lên. Mật ong chảy dòng dòng trên cây, cá dưới suối bơi lội…
Bà sống mùa nào thức nấy, cùng với một con chó rừng tự nguyện về đây canh giữ lũ cáo cầy sục sạo.
Xưa kia, bà lão là một cô gái xinh đẹp dưới thị trấn. Những người đàn ông đã lừa dối bà, xô đẩy bà trên đường đời, nên bà thấy cuộc đời thật đáng chán, về già quyết định xa lánh tất cả, một mình về đây, sống với chim muông cỏ cây hoa lá...
Mỗi sáng bà lão Dan thường chơi với chim chóc ngoài thềm một lúc rồi ra sân. Ở đấy có một cây Anh Đào đã già, gốc to lớn xù xì, lá còi cọc úa vàng, nhiều năm nay chẳng bao giờ ra hoa được nữa. Nó cũng giống như bà…
Tháng ba năm ấy nắng trong vắt chan chứa khác thường, bà lão Dan đang ngồi dưới gốc Anh Đào, có một cánh hoa rơi xuống vạt áo, hồng tươi, thơm nức, mong manh. Bà kinh ngạc nhìn lên thì thấy những cành già xù xì rêu mốc mọi hôm, giờ thành tươi xanh lấm tấm trổ hoa. Thời gian đã quay ngược và cây Anh Đào đã non tơ trở lại ư? Bà lão đi quanh gốc cây, giật mình hơn khi thấy bóng hình mình dưới vũng nước, những sợi tơ đan da mặt biến đi đâu mất cả. Hiện hình dưới kia là một gương mặt mịn màng với làn tóc đen, và đôi mắt không còn mờ đục...
Đúng là thời gian đã bắt đầu quay ngược từ bao giờ mà bà không biết. Bà lão vứt cái gậy, vì không cần dùng đến nữa... Cho đến một ngày kia, thời gian quay ngược đã đủ vòng của nó, bà lão ra suối tắm, cởi bỏ bộ áo quần nhàu nhĩ, hiện lên một thân hình như tượng đá trắng, cánh tay, bờ vai nuột nà vằng vặc trăng rằm…
 Cô gái Dan bơi ngược chiều suối chảy. Sóng ào ào trắng xóa, nhưng không cuốn trôi được sức trẻ. Cô vẫn lao lên, tay bíu vào các ngọn nước, vượt được cả thác. Thác lũ thời gian chả cuốn được cô…
 Cây Anh Đào trước cửa lều bà lão Dan bây giờ đã nở bung một rừng hoa, che rợp khoảng trời…




       HỒN CÂY
Gia trang cố hương chúng tôi ở một miền đồi có khe suối và vườn hoang đầy cây cổ thụ.
Một lần vào vườn hoang tôi tha thẩn dạo chơi đêm trăng, nghe chim đồi hót và tiếng suối chảy róc rách.
Soi bóng bên suối có một cây Liễu yểu điệu, lá rủ lướt thướt, bên cây Đào hoa nở rực rỡ và cây Hạnh vươn cành mềm mại như cánh tay thiếu nữ đang cầm những nhành hoa phớt hồng.
Đêm về khuya, ánh sương bàng bạc, tôi thấy hồn ba cây chập chờn hiện thành ba cô gái xinh đẹp.
Liễu có mái tóc lướt thướt. Đào có gương mặt tươi hồng, và Hạnh có màu da trắng như tuyết.
Ba cô nói thì thầm gì với nhau, tôi nghe không rõ. Một cơn gió mạnh ào qua, hình ba cô lại tan nhòa, chìm vào ba cây Đào, Liễu, Hạnh bên suối.
Sáng hôm sau, dưới ánh sáng mặt trời chói chang, tôi lại vào vườn hoang. Ngắt nhành liễu, vò nhàu lá thấy mùi hương mái tóc con gái. Ngắt bông hoa Đào, hoa Hạnh thấy mùi phấn thơm trên má thiếu nữ…
Cuộc đời tao loạn, xô đẩy tôi phải đi xa biệt khỏi cố hương. Thời gian trôi, đến khi tóc bạc, tôi mới có dịp trở lại ngôi nhà rêu mốc, nấm mọc ngoài thềm. Khu vườn hoang xơ xác đi nhiều, nhưng ba cây Đào, Liễu, Hạnh vẫn còn, dù lá sắt lại, hoa cỗi cằn.
Tôi thức với đêm vườn, và nửa đêm, trong ánh sương bàng bạc, lại thấy hồn cây xuất hiện. Nhưng lần này là ba bà già tóc bạc, da nhăn.
Tôi buồn bã lại gần nói:
- Có lẽ nào cuộc đời ba cô gái trẻ đã phai tàn quẩn quanh trong khu vườn hoang này.
Ba bà già nói:
- Biết làm sao được. Chân chúng tôi là những rễ cây Đào, Liễu, Hạnh cắm chặt trong lòng đất.
Tôi nói với bà già cây Hạnh:
- Bà có biết ngày xưa nàng Dương Quý Phi đã bị ép thắt cổ chết trên cành cây Hạnh ở Mã Ngôi. Và hồn nàng đã nở nên những bông hoa Hạnh rớm máu.
- Không. Tôi không biết. Đó là cây Hạnh ở xứ nào. Còn tôi, chỉ là cây Hạnh trong vườn hoang hẻo lánh này thôi…
Tôi chia tay ba bà già Đào, Liễu, Hạnh, mà mùi lá đã nhạt thếch, hình hài đã xác khô…
Tôi có việc lại phải xa cố hương. Một ngày kia, trở về, tôi lại vào vườn hoang tìm gặp hồn cây Đào, Liễu, Hạnh dù biết họ đã già.
Tôi đến bên bờ suối. Bờ suối trơ trụi. Ba cây Đào, Liễu, Hạnh giờ chỉ còn là ba gốc khô nham nhở vết rìu chặt. Tôi đợi mãi, đợi mãi, không có bóng hình ai, ngoài bóng hình tôi với con suối chảy rì rào…



       MÙA XUÂN VỀ BẢN
Thời gian thấm thoát kể từ buổi tôi đến bản Vua Bà đã đầy năm. Tôi đã thấy mùa hè trong rừng với mùi mật vả dại thơm ngào ngạt trong thứ ánh nắng ríu rít nhảy nhót từng giọt qua cái sàng xanh vĩ đại của các tán cây đầy gió lay động. Tôi đã thấy mùa thu rừng với những con nai vàng rón rén trên các thảm lá khô, mỗi bước đi lá kêu như bánh đa vỡ dưới chân. Mùa thu, trám rừng nhiều lắm, chín trên cành vàng rực như những ngôi sao chiều. Và những quả thu muộn mằn chín một mình trong rừng không ai hay tới, cuối cùng chỉ còn biết âm thầm rụng xuống gởi lại hạt già cho tầng lá mục ấp ủ. Tôi đã thấy mùa đông rừng với những vạt sương như những tấm khăn voan trùm kín mít các ngọn cây. Các cây rừng thành những cô dâu trong lễ cưới, che mặt suốt đêm tân hôn cho đến lúc sáng bạch vẫn không chịu bỏ ra. Khi những cơn gió bấc đầu mùa về, cả đại ngàn reo như sóng bể. Đại ngàn càng trở nên trập trùng dữ dội. Những con gấu lười biếng lông xù lên đi trốn mùa đông. Các cánh rừng dẻ gai, hạt rơi tí tách suốt đêm ngày như cơn mưa không dứt.
Mùa đông rừng thật là dài ghê gớm. Đêm đêm lửa sưởi bập bùng trong bếp bản Vua Bà, mùi sắn lùi, hạt dẻ nướng thơm phức, và người ta thức trằn trọc trong những tấm chăn sui khô cứng, mong cây đào trước nhà trổ ra chùm nụ phớt hồng. Những nụ phớt hồng bé xíu như chiếc cúc áo. Cúc của tấm áo mùa xuân.
Tôi gặp mùa xuân trên bản Vua Bà, vào một buổi sớm. Trời vẫn còn lạnh lắm và những thân cây vẫn còn run rẩy. Nhưng đã có một con chim vàng anh bay đến. Vàng anh cất tiếng hót. Ngắn thôi, nhưng réo rắt. Rồi nó vù bay, vội vã chợt đi như chợt đến. Riêng tiếng hót thì ở lại, âm vang mãi trong lòng. Tôi ngẩn ngơ luyến tiếc con vàng anh mãi. Tiếng hót đó đã đánh thức tôi đang co ro chìm đắm trong rét mướt của mùa đông, giật mình chạy lại với mùa xuân.
Có lẽ con vàng anh đã đánh thức cây đào như đánh thức tôi. Mà không phải chỉ cây đào, nó đánh thức cả đại ngàn, cả không gian và mặt đất. Vừa mới hôm trước đại ngàn còn rền rĩ gió bấc, mặt trời còn đang trắng bệch ẩn sau những tầng mây ngổn ngang như ẩn sau tấm chăn bông ủ ấm, vậy mà ngày một ngày hai, trời đã trong dần. Những bụi mưa hoa long lanh nhẹ đến nỗi không rơi xuống đất được mà cứ bay lửng lơ. Những chuỗi cườm nhỏ xíu, lõi bằng mạng nhện, hạt bằng các giọt mưa ngũ sắc, ở đâu thả xuống đầy ngọn cỏ lá cây.
Mùa xuân ở bản Vua Bà thật là vui. Tiếng khèn bè, tiếng tiêu chuốt trong lòng những ống trúc quý dìu dặt suốt đêm. Bóng đêm mùa xuân cũng đen óng ánh ảo huyền, và càng khuya càng ngào ngạt mùi thơm của hương lá hương cây. Đêm xuân, những con chim hót đến khiếp. Chúng ngây ngất cái gì. Không chịu ngủ, cứ hót thâu đêm suốt sáng. Có những con chim mái sau mùa xuân; người rạc đi chỉ còn cái xác ve, lúc bấy giờ mới chịu lui lủi, lặng lẽ đi kiếm ăn cùng chồng con..



   MỘT TẤM GƯƠNG

       Nắng sớm chứa chan. Thằng Quyền bước lang thang vô định giữa triền đồi. Cỏ ngút mắt. Cỏ và cỏ. Chưa bao giờ nó thấy lòng buồn chán rã rời như thế.
Một con sếu bay qua bầu trời rồi mất hút. Sếu đi về đâu nhỉ? Cho ta theo với.
Thằng Quyền trèo lên đỉnh đồi nhìn quanh. Nhà nó kia, xa xa. Mái gianh vàng ẩn trong lùm cây nhỏ. Khói bếp màu lam bay trông thật ấm cúng thanh bình. Vậy mà bây giờ nó không muốn về đấy nữa. Gần đây, bố mẹ đều ghét bỏ nó. Hơi một tý là bố vớ cái roi. Còn mẹ thì luôn so sánh nó với lũ trẻ trong xóm “Chân núi”, đứa nào cũng giỏi, cũng tài, chỉ riêng nó là đồ vô duyên, vô tích sự, vô giá trị. Có đúng thế không nhỉ, hay là yêu nên tốt, ghét nên xấu?
Thằng Quyền đã đi khá xa. Đường xe lửa xuyên núi chênh vênh trước mặt. Một bên là suối sâu, hun hút, nước réo ào ào tung bọt trắng xóa. Một bên là núi đá lởm chởm.
Đường ray lượn vòng uốn khúc theo sự ngoắt ngoéo nhô ra thụt vào của sườn núi. Bỗng thằng Quyền đứng sững. Trước mặt nó là một cây cổ thụ khổng lồ từ sườn núi đổ xuống lấp cả khúc đường ray. Quyền nhớ sáng nay có cơn lốc núi dữ dội. Vùng này thường hay thế. Có khi giữa trưa nắng êm ả, mà lốc núi thình lình xoáy tít bốc cả mái nhà bay đi. Ngắm bộ rễ tua tủa khủng khiếp bị lật tung của đại thụ, Quyền chặc lưỡi: - Thế mới biết đâu phải cái gì cũng bền chắc mãi mãi được.
Thằng Quyền định quay lưng, bỗng nhiên một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu: chốc nữa có một con tàu qua đây, vướng víu ngoắt ngoéo, không nhìn thấy, không phanh kịp, húc vào cái cây đổ khổng lồ này, sẽ lao xuống vực tan xác.
Từ bao năm nay, Quyền đã quen tiếng còi tàu văng vẳng thân yêu. Buổi sáng tàu thường từ dưới xuôi lên. Và như thế có nghĩa là tàu sắp đến. Phải sang phía bên kia, đi tiếp xuống, báo hiệu cho tàu dừng.
Vượt qua chướng ngại này đâu phải dễ. Thằng Quyền bám vào những cành cây leo lên, tụt xuống chuyền qua như con vượn. Sểnh tay một tý, có thể ngã, và ngã đây là ngã xuống suối tan xác chứ chẳng chơi. Ai bắt nó dấn thân vào hiểm nguy trong khi lòng nó đang buồn chán rã rời?
Nửa giờ sau, mồ hôi ướt đẫm, quần áo te tướp, Quyền qua được vùng cây đổ. Bây giờ nếu đứng bên đường vẫy tay thì có con tàu nào chịu dừng lại? Đã có biết bao nhiêu câu chuyện trẻ con có “trò chơi” ném đá lên tàu. Và, những người lái tàu thường vốn ác cảm với những thằng nhóc lảng vảng bên đường ray. Quyền cảm thấy sờ sợ. Nếu con tàu “hiểu nhầm” mình là đứa táo tợn ngoại hạng, dám đứng giữa đường ray, chờ tàu sát đến gần mới chạy dạt ra, nó sẽ không phanh, cả đoàn tàu sẽ rầm rập lao vào mình khi mình không chạy kịp. Làm thế nào bây giờ? Quyền vừa đi vừa thầm nghĩ. Đúng lúc ấy đất dưới chân nó rung chuyển nhẹ, ầm ầm truyền dẫn. Rồi tiếng còi tàu từ xa vọng tới. Không thể đắn đo tính toán thêm gì được nữa. Phải liều. Thằng Quyền nhảy bổ vào đứng giữa đường ray, cởi quần áo, tay cầm áo, tay cầm quần, phất loạn xạ. Phải như thế mới gây ấn tượng.
Sớm nay, một buổi sáng đẹp trời. Con tàu số hiệu M125 từ thành phố dưới xuôi chở năm trăm hành khách lên hai tỉnh lỵ miền núi. Nó sắp đi vào một vùng sơn thủy hữu tình.
Người lái đưa mắt nhìn về phía trước. Cái gì kia? Ông giật thót. Một thằng bé đang nhảy loi choi. Khoảng cách con tàu và đứa trẻ không còn xa. Nhưng vẫn đủ để người lái từ từ kéo phanh mà không làm nó chùn lại như con sâu đo…
… Câu chuyện một thằng bé miền núi cứu một đoàn tàu năm trăm hành khách khỏi rơi xuống vực ngày ấy được người ta viết thành một bài văn đăng báo. Có lẽ vì ý nghĩa lớn lao của sự kiện, cũng như bài văn quá hay nên đã được đưa vào sách giáo khoa tiểu học.
Mấy chục năm qua, bao thế hệ đã học bài văn nêu gương sáng ấy. Hình ảnh thằng Quyền đã đi vào tâm trí bao người, thành một biểu tượng của đạo đức vì mọi người, và mãi mãi chẳng bao giờ phai mờ. Bố mẹ thằng Quyền đã mất từ lâu. Nhưng ngày ấy còn kịp nhận thấy, hóa ra con mình cũng là người có ích chứ đâu đến nỗi nào.


 Nguồn: Tạp chí Văn Mới số 7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét